Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Của Loa

Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Của Loa

Giá: Liên hệ

Tình trạng: Còn hàng

    top sản phẩm bán chạy
Đọc Bài

MỤC LỤC NỘI DUNG

  1. Củ loa có tác động như thế nào đến chất lượng của loa
  2. Thùng loa
  3. Bộ phân tần, Board công suất
  4. Thương hiệu sản xuất

Loa là một thiết bị trong hệ thống âm thanh, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại loa và mỗi loại loa lại cho ra những chất lượng âm thanh khác nhau. Vậy tại sao lại có sự khác nhau về chất lượng của từng chiếc loa và những yếu tố nào là yếu tố chính tác động đến điều đó. Sau đây là một số chia sẻ của chúng tôi.

Yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng loa
Các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng loa

✅ Củ loa có tác động như thế nào đến chất lượng của loa

Các yếu tố chính của củ loa tác động đến chất lượng của loa là: Công suất, Độ nhạy của củ loa và khả năng đáp ứng các dải tần phù hợp với thiết kế.

✔ Công suất của củ loa

Công suất của củ loa là giá trị đại diện cho khả năng vận hành và sức chịu đựng của một cái loa, có thông số là Watts (W). Công suất của củ loa được chia thành 2 loại là: Công suất cực đại và công suất thông thường. Công suất cực đại là mức công suất lớn nhất mà loa có thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn, còn công suất thông thường là công suất mà củ loa có thể đạt được trong khoảng thời gian dài. Việc sử dụng mức công suất cực đại về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của loa, thậm chí là cháy loa trong tích tắc.

Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới Công Suất Củ Loa bao gồm: Nam châm, côn loa và khả năng tản nhiệt.

Nam châm

Vì sao lại nói Nam châm ảnh hưởng đến chất lượng công suất củ loa đó là do trên thị trường hiện nay có đến 3 loại nam châm là: Alnico, Neodymium và Ferrite. Mỗi loại nam châm sẽ có kích cỡ, đặc tính và công suất lớn nhỏ không đồng điều nên điều này dẫn đến việc công suất của củ loa sẽ có sự khác nhau. Sau đây là bảng so sánh đặc tính của ba loại nam châm.

ĐẶC TÍNH CỦA TỪNG LOẠI NAM CHÂM

TÊN TỪNG LOẠI NAM CHÂM

FERRITE

NEODYMIUM

ANICOL

Mật độ năng lượng từ trường ( BHmax)-( KJ/m3)

10-40

200-440

10-88

Lực từ trường ( Br)- (T)

0.2-0.78

1-1.4

0.6-1.4

Khả năng dễ mất từ (Hcl)

100-300

750-2000

275

Thể tích của từng loại nam châm trên cùng mật độ năng lượng từ ( m3)

6

0.5

4

Thông qua bảng so sánh chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự khác biệt trong từng thông số của từng loại Nam châm như sau:

Nam châm Alnicol: Đây là loại có từ trường rất mạnh ngày nay ít còn được dùng do rất mắc, loại này tuy tốt nhưng nếu hoạt động liên tục ở công suất cao sẽ dẫn tới sự truyền nhiệt độ từ cuộn dây vào nam châm làm cho nó giảm lực và không tự phục hồi.

Nam châm Ferrite: Có thể tích lớn trong cùng một mật độ năng lượng từ nên những củ loa sử dụng loại nam châm này thường có kích thước khá lớn và khả năng dễ mất từ trường cao, khi hoạt động trong thời gian dài với cường độ lớn điều này dẫn đến chất lượng âm thanh không được tối ưu dễ bị biến dạng âm thanh khi phát ra.

Củ loa dùng Nam châm Ferrite
Nam châm Ferrite trong củ loa ( Nguồn: internet)

Nam châm Neodymium: Mật độ năng lượng từ cao hơn hai loại còn lại khá nhiều, và điều này dẫn đến thể tích của Nam châm trên cùng mật độ năng lượng từ rất nhỏ nên những củ loa sử dụng loại nam châm này sẽ thường có kích thước nhỏ gọn. Nam châm neodymium có lực từ mạnh và khó bị khử từ nên củ loa có thể hoạt động bền bỉ trong cường độ làm việc cao và khắc phục được nhược điểm về chất âm.

Củ loa dùng nam châm Neodymium
Củ loa sử dụng Nam châm Neodymium (Nguồn: Internet)

Qua đó có thể thấy loại Nam châm sử dụng trong loa có lực từ trường càng lớn và khả năng bị khử từ càng thấp thì sẽ cho chất lượng âm thanh càng cao và chất âm càng hay.

Coil loa

Coil loa (Voice Coil hoặc cuộn dây đồng) là ống hình trụ được quấn dây lên đó. Nó được đặt trong khe hở từ, khe từ này càng nhỏ thì mật độ từ càng cao mà điện từ nhiều thì công suất sẽ mạnh. Đồng nghĩa với việc coil loa càng to thì công suất sẽ càng lớn.

Dưới đây là bảng thể hiện rằng đường kính côn loa có ảnh hưởng tới công suất. Chúng tôi lấy 3 mã sản phẩm dòng GST cao cấp của thương hiệu Thái Lan - PAudio để minh chứng cho vấn đề này.

Mã Sản Phẩm

Đường Kính Coil Loa (Voice Coil)

Công Suất Loa

GST - 12500

76 mm/ 3in

500 W

GST - 1512003

101.6 mm/ 4in

1200 W

GST - 1815002

127mm/ 5in

1500 W

Nhưng với sự phát triển của công nghệ ngày nay, voice coil được nghiên cứu rất tỉ mỉ. Thay vì các sợi dây đồng dạng tròn thì nay một số sản phẩm C18-650EL, P150-2226,... của hãng P.audio được ứng dụng công nghệ dây coil vuông, việc này giúp cho các sợi dây nằm khít nhau hơn giúp cho mật độ từ sinh ra nhiều hơn. Hoặc là voice coil được cuốn tới 2 lớp dây đồng khiến năng lượng từ được sinh ra cao hơn hẳn so với chỉ cuốn 1 lớp (Điển hình là dòng SD và GST của hãng PAudio).

Như vậy, khi chọn loa, ngoài việc xem kích cỡ (Đường kính) của coil loa, chúng ta cũng nên để ý thêm tính chất hình học của dây đồng và công nghệ của coil loa đó ra sao để có thể lựa chọn được loại loa phù hợp nhất.

Coil Loa
Các loại coil loa trong củ loa (Nguồn: Internet)

Khả năng tản nhiệt

Khả năng tản nhiệt là yếu tố không kém phần quan trọng ảnh hưởng tới công suất của loa. Trong đó, chất liệu sản xuất khung sườn và thiết kế của củ loa là hai yếu tố chính tác động tới khả năng tản nhiệt của củ loa.

Chất liệu sản xuất khung sườn cho loa rất đa dạng, nhưng trên thị trường hiện nay nhôm và sắt vẫn được ưu tiên hơn cả.

Khung sườn được sản xuất bằng chất liệu sắt sẽ dễ bị oxi hóa và dẫn đến rỉ sét đồng thời khả năng tản nhiệt của khung sườn sắt khi hoạt động với công suất cao sẽ tản nhiệt chậm. Còn đối với các khung sườn sản xuất từ chất liệu nhôm thì khả năng tản nhiệt của nhôm cao nên khi hoạt động với công suất cao, khung sườn nhôm giúp tản nhiệt tốt giúp củ loa hoạt động bền bỉ và thời gian lâu hơn.

Về thiết kế củ loa, đa số các củ loa khi thiết kế điều có một lỗ thoát hơi ở phía sau củ loa và ngay giữa nam châm, lỗ thoát hơi này là yếu tố giúp củ loa tản nhiệt trong quá trình hoạt động

✔ Độ nhạy của củ loa

Độ nhạy của loa là thông số kỹ thuật thể hiện độ lớn của âm thanh mà thiết bị phát ra. Bạn có thể hiểu theo cách đơn giản, độ nhạy của loa càng lớn thì khả năng loa kêu to càng cao với điều kiện so sánh trong cùng một môi trường định mức tiêu chuẩn và điện áp đầu vào bằng nhau.

Đơn vị đo độ nhạy của loa là Decibel (Viết tắt: dB). Sản phẩm loa khác nhau thì độ nhạy của chúng cũng khác nhau. Hầu hết, loa có độ nhạy âm thanh trong khoảng từ 80-90 dB và mức trung bình là 87dB. Dù khoảng cách 80dB tới 90dB không lớn nhưng trên thực tế, loa có độ nhạy 90dB có khả năng kêu to gấp đôi loa có độ nhạy 80dB.

Củ loa
Củ loa (Nguồn: Internet)

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ nhạy của củ loa

Mạng Nhện: Mạng nhện là yếu tố tác động chủ yếu đến độ nhạy của củ loa vì khi mạng nhện đàn hồi tốt thì màng loa sẽ hoạt động tốt và điều này dẫn đến độ nhạy của loa sẽ cao. Nếu sử dụng quá lâu, công suất quá lớn sẽ làm lão hoá mạng nhện khiến âm thanh không còn rõ nét và ầm ì.

Màng Loa: Màng loa là yếu tố có mối liên quan mật thiết tới độ nhạy của loa. Cấu tạo màng loa dày đồng nghĩa với việc độ nhạy của loa sẽ thấp, vậy nên đòi hỏi công suất đưa vào phải cao để làm tăng độ nhạy của loa. Và ngược lại, nếu màng loa có cấu tạo mỏng thì độ nhạy sẽ cao nên công suất đưa vào sẽ thấp hơn.

Đó là lý do tại sao khi sản xuất màng loa, nhà thiết kế phải chú ý tới vấn đề lựa chọn chất liệu phù hợp với từng loại sản phẩm ứng với từng mức độ nhu cầu khác nhau và mức giá thành khác nhau. Vì chất liệu như thế nào, khả năng tạo ra màng loa với kích thước dày mỏng hay độ bền của màng loa được tạo ra bởi chất liệu đó ra sao, khi hoạt động ở tốc độ giao động cao về lâu dài có ổn định hay không… ảnh hưởng rất nhiều tới độ nhạy của loa.

Vậy nên khi xét tới độ nhạy của loa thì chất liệu màng loa là yếu tố rất quan trọng để xem rằng củ loa đó có chất lượng hay không hay nói cách khác là chiếc loa đó có chất lượng hay không.

Coil Loa: Trọng lượng của coil loa ảnh hưởng rất nhiều tới độ nhạy của củ loa. Nếu coil loa có trọng lượng quá nặng thì sẽ dẫn tới việc thực hiện các giao động cơ (Khả năng di chuyển trong khe từ) tác động trực tiếp lên màng loa sẽ chậm hơn. Và ngược lại, coil loa có trọng lượng nhẹ thì khả năng tiếp nhận và thực hiện các giao động cơ tác động lên màng loa sẽ nhanh hơn và dẫn tới độ nhạy của củ loa cũng sẽ tốt hơn.

Nam Châm: Như chúng ta đã biết, nam châm tạo ra lực từ tương tác với cuộn dây đồng để tạo ra những xung động âm thanh và những xung động này sẽ dao động liên tục và tác động đến màng loa để phát ra âm thanh.

2 yếu tố tác động của nam châm tới độ nhạy của củ loa đó là: Thiết kế và trọng lượng nam châm.

  • Về thiết kế: Do coil loa là hình trụ nên nam châm vĩnh cửu được thiết kế hình tròn bao quanh để điện từ sinh ra được phân bố và tác động đồng đều lên coil loa. Việc lực từ được phân bố đồng đều này sẽ giúp coil loa thực hiện các giao động cơ và tác động lên màng loa được tốt hơn. Dẫn tới độ nhạy của củ loa sẽ tốt hơn.
  • Trọng lượng nam châm: Trọng lượng càng lớn thì loa vận hành với cường độ và năng lượng âm thanh càng cao. Đặc biệt là giúp cho sự giải nhiệt của loa hoàn hảo hơn khi vận hành ở cường độ âm thanh lớn (Tức độ nhạy lớn).

Khả năng đáp ứng các dãy tần phù hợp với thiết kế

Mỗi loại loa sẽ có những kiểu thiết kế khác nhau và điều này tùy thuộc vào từng đơn vị sản xuất dòng loa đó. Những đơn vị sản xuất luôn mong muốn loa có thể tái tạo chân thực âm thanh gốc một cách hoàn chỉnh nhất. Ví dụ: chúng ta ghi âm 1 bản nhạc và muốn loa phát lại bản nhạc đó với âm sắc giống hệt, chỉ có âm lượng là lớn hơn.

Nhưng tiếc thay chưa có 1 loa nào trên thị trường hiện nay làm được điều đó, âm thanh ra loa không có tiếng bass nhỏ hơn so với tiếng treble thì tiếng mid nhỏ hơn tiếng bass v.v. Nên điều đó dẫn đến việc các loa sẽ được thiết kế để phù hợp với từng dải tần khác nhau.

Thùng loa

Nhắc đến thùng loa, đa phần người ta sẽ nghĩ đến thẩm mỹ và khả năng phân bổ củ loa, tuy nhiên sẽ ít ai chú ý đến việc thùng loa ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng âm thanh của loa, đặc biệt qua hai yếu tố, chất liệu của loa và thiết kế

Chất liệu dùng làm Thùng Loa

Thùng loa được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó tiêu biểu và phổ biến nhất là gỗ và nhựa.

Thùng làm bằng gỗ: Gỗ là nguồn nguyên liệu được sử dụng nhiều bởi đặc tính bền, đẹp, cách điện, ngăn ẩm tốt,... Gỗ được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống và sinh hoạt, còn trong âm thanh, thiết bị sự kiện, người ta xem gỗ là một nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất nên một chiếc thùng loa mang chất lượng âm tốt.

Thùng loa từ chất liệu gỗ
Thùng loa được làm từ chất liệu gỗ (Nguồn: Internet)

Thông thường, các loại gỗ MDF, ván dăm, gỗ dán và một số loại gỗ tự nhiên như gỗ sồi, gỗ thông rất được ưa chuộng và được sử dụng phổ biến để đóng thùng loa toàn dải.

  • Ván gỗ MDF: Đây là loại gỗ lý tưởng để làm thùng loa vì việc cắt gọt, vắt chéo trên gỗ MDF dễ dàng hơn so với các vật liệu khác. Ngoài ra với keo dán gỗ thông thường, MDF cũng tỏ ra khá bền và dễ ăn keo, bề mặt mịn và cạnh cắt đẹp, loại này có khả năng tắt dần giao động, không phát tiếng bên trong thùng loa.
  • Gỗ tự nhiên: Gỗ tự nhiên sau khi trải qua quá trình xử lý kỹ thuật cũng được dùng để làm thùng loa cho chất lượng âm thanh cực kỳ tốt, tuy nhiên bởi giá thành cao, gia công khó, nên gỗ tự nhiên đang được hạn chế sử dụng.

Lưu ý: mỗi loại gỗ đem đến chất lượng âm thanh khác nhau nên có giá thành khác nhau

Thùng loa bằng nhựa: Thùng loa sử dụng chất liệu bằng nhựa có giá thành khá rẻ, dễ sản xuất và dễ vận chuyển setup. Tuy nhiên những thùng loa sử dụng chất liệu nhựa sẽ có tính chất khá giòn và dễ nứt hoặc vỡ ở những vị trí loa rung hay các vị trí bắt óc dẫn đến loa cho ra chất âm không được hay. Ngoài ra, cấu tạo vỏ thùng nhẹ và mỏng, có tính dai nên thùng loa bằng nhựa sẽ bị cộng hưởng ở một số tần số nhất định. Việc kiểm soát chất lượng âm thanh cũng mất thời gian và công sức hơn.

✔ Nước Sơn phủ lên bề mặt gỗ

Trên thị trường hiện nay có 3 hệ sơn phổ biến dùng trong việc sản xuất loa như: Hệ sơn dầu, hệ sơn nước và hệ sơn Epoxy. Mỗi loại sơn mang tính chất và độ bền khác nhau, từ đó quyết định chất lượng và độ bền của thùng loa.

  • Sơn dầu: là loại sơn có một thành phần gốc nước và một thành phần gốc dầu, sơn dầu rất dễ sử dụng, nhanh khô, dẻo dai, có độ phủ và độ bám dính cao.
  • Sơn nước: là một hỗn hợp đồng nhất, trong đó chất tạo màng liên kết với các chất màu tạo màng liên tục bám trên bề mặt vật chất. Sơn nước có ưu điểm là bám dính tốt trên bề mặt các vật liệu giúp bảo vệ và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm được phủ sơn lên.
  • Sơn Epoxy: là tên gọi của 1 dòng sơn công nghiệp 2 thành phần được tạo nên từ hạt nhựa epoxy, chất đóng rắn polyamide, dung môi và 1 số phụ gia khác. Sơn Epoxy có độ cứng, dai chắc, sáng bóng cùng một số tính năng chuyên dụng khác như: chống tĩnh điện, chống rỉ sét, chịu axit.

Do đó để chọn được loại sơn tốt cho thùng loa các bạn nên chọn hệ sơn phù hợp với sản phẩm thùng loa của mình và hệ sơn đến từ các hãng sơn có thương hiệu uy tín.

Loa chất liệu gỗ được phủ sơn
Loa chất liệu gỗ được phủ lớp sơn bảo vệ và tăng tính thẩm mỹ (Nguồn: Internet)

Thiết kế của loa

Thùng loa được thiết kế với 2 dạng chính là thùng hộp kín và thùng có lỗ thông hơi.

  • Loại thùng có lỗ dội âm hay còn gọi là Bass Reflex, sẽ có khả năng tái tạo âm thanh tạo ra tiếng bass sâu lắng, chắc khỏe, cho phép âm thanh từ phía sau của màng loa tăng hiệu quả của hệ thống ở tần số thấp so với loa hộp kín– luôn thu được dãi tần số rộng hơn. Lỗ thông hơi được bố trí ở phía trước hoặc sau và được thiết kế dưới dạng lỗ đơn hay đôi.

  • Thùng loa kín: bên trong thùng loa kín người ta sẽ nhồi vật liệu giảm chấn để hấp thu rung chấn, như vậy chất âm sẽ được cải thiện nhiều. Thùng loa kín có kích thước khá nhỏ, phù hợp với diện tích, không gian phòng nghe. Loa có thể chịu được công suất lớn, có thể dễ dàng tái hiện lại các trường đoạn ngắn với âm dứt khoát, tuy nhiên, thùng loa kín có một nhược điểm là độ nhạy thấp.

Lưu ý: khi khối lượng không khí bên trong lỗ thông hơi quá lớn để đáp ứng với chuyển động của loa. Các sóng phía sau không đảo ngược pha và đi ra khỏi cổng, chỉ để hủy các sóng phía trước. Đó là lý do tại sao loa phản xạ âm trầm có độ dốc lớn (24 db / quãng tám) dưới điểm tần số cộng hưởng.

Bộ phân tần- Board công suất

Bộ phân tần - Board công suất hay còn gọi là mạch loa, là một bảng mạch hệ thống của loa có chức năng tái tạo, điều chỉnh các dải âm thanh theo từng loại loa.

Phân loại phân tần

Bộ phân tần (mạch loa)- Board công suất: được chia ra hai loại là broad chủ động (Active) và phân tần bị động (Passive).

Phân tần bị động (Passive): loại phân tần bị động này khác với phân tần chủ động bởi khả năng vận hành. Loại loa passive sử dụng bộ phân tần bị động bắt buộc người dùng phải sử dụng Amply hoặc hệ thống rời để điều chỉnh. Vì không được tích hợp sẵn công suất bên trong nên khi sử dụng người dùng cần phải tính công suất kĩ, phù hợp để không gây hư hỏng cho loa hoặc hệ thống công suất của loa.

Mạch phân tần
Mạch phân tần ( Nguồn: Internet)

Board chủ động- Board Công suất (Active): loại Board chủ động này được ứng dụng vào việc sản xuất loa Active. Dòng loa active này cho phép người dùng chơi nhạc nhanh mà không cần đến một dàn âm thanh đầy đủ hay chuyên nghiệp. Đồng thời tích hợp sẵn công suất nhất định cho một cái loa và không cần dùng đến Amply điều chỉnh.

Board công suất
Loa có Board chủ động - Active (Nguồn: Internet)

✔ Board công suất ảnh hưởng thế nào đến chất lượng loa

Vì là bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong loa. Là thiết bị đầu ra chủ yếu của âm thanh và nếu củ loa được xem là trái tim của loa thì Board công suất này được xem là hơi thở của loa. Với việc chuyển công suất điện từ nguồn điện thành tần số âm thanh phân chia vào từng củ loa bên trong, từng chức năng của loa như tần số thấp cho loa Bass và tần số cao cho loa treble. Board công suất được thiết kế phù hợp với từng loại củ loa cho nên giúp giảm được sự quá tải khi vận hành, dẫn đến củ loa khó bị cháy và khó bị hư.

✅ Thương hiệu sản xuất

Yếu tố cuối cùng tác động đến chất lượng loa chính là thương hiệu sản xuất. Mỗi thương hiệu sẽ có những thiết kế khác nhau, đặc biệt là về: củ loa, thùng loa,...

Đối với những thương hiệu lâu năm, uy tín trên thị trường, việc quan tâm vào thiết kế từng bộ phận nhỏ của loa là cực kỳ quan trọng và được họ đầu tư cẩn thận so với những thương hiệu mới nổi, và mỗi thương hiệu lại có những điểm mạnh, điểm yếu riêng phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng.

Chính vì vậy, lựa chọn một loại loa chất lượng, quý khách hàng cũng cần lưu tâm đến thương hiệu sản xuất của loa đó.

VD: Thương hiệu Yamaha đa số làm thùng loa kín, còn JBL lại có nhiều thùng với nhiều lỗ thông hơi.

Trên đây là bài viết tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng của một chiếc loa. Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi sẽ phần nào giúp quý khách hàng lựa chọn được những chiếc loa chất lượng tốt và phù hợp với nhu cầu. Để được tư vấn kỹ hơn về sản phẩm loa, hãy liên hệ với Hoàng Sa Việt - Top 5 công ty âm thanh ánh sáng và thiết bị sự kiện chuyên nghiệp tại Việt Nam qua số hotline 0985.999.345. Xin cám ơn!

8078 lượt xem
Gửi đánh giá của bạn cho sản phẩm này!
gửi đánh giá

Hiện chưa có đánh giá nào về sản phẩm này!

0985.999.345